Silk Road, trang web đen nguy hiểm nhất nước Mỹ
P’medic| 02/10/2023
Được vận hành bởi một chương trình ẩn nhằm giúp khách hàng đăng nhập và mua bán an toàn. Cho đến khi Silk Road bị Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) triệt phá, số lượng giao dịch của nó đã lên đến hơn 1,5 triệu người và gần 2 tỉ USD…
Hơn 1,2 triệu giao dịch đen trong hơn 2 năm
Sự việc khởi đầu từ giữa năm 2010, Ross Ulbricht, sinh năm 1984, đã lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, chuyên ngành Khoa học máy tính nhưng lại say mê lý thuyết kinh tế tự do.
Đến tháng 2-2011, Ross cùng hai người bạn là Jones và Smedley khai sinh trang web Silk Road với lời tuyên bố: “Tôi tạo ra một mô hình để mọi người đều có thể trải nghiệm trực tiếp về những thứ mà chúng ta có quyền mua bán…”. Tuy nhiên, những thứ được Ross rao bán trên trang Silk Road lại là những thứ giết người. Nó bao gồm heroin, cocain, fentanyl, amphetamine, ma túy đá, cần sa, thuốc lắc… Khách hàng nếu muốn đăng nhập trang web này buộc phải mua một tài khoản và hàng tháng phải đóng phí.
Mua xong, Silk Road sẽ cung cấp cho họ một phần mềm có tính năng che giấu tất cả mọi thông tin mỗi khi họ đăng nhập nhằm tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng như FBI, Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA).
Một người bình thường nếu vào trang Silk Road sẽ chỉ thấy nó quảng cáo khoảng 10.000 sản phẩm như quần áo, tác phẩm nghệ thuật, sách, thuốc lá, đồ trang sức… cùng những điều khoản công khai, chẳng hạn “không mua bán bất kỳ thứ gì có mục đích gây hại hoặc lừa đảo, bao gồm nội dung khiêu dâm trẻ em, thẻ tín dụng bị đánh cắp, vũ khí…” nhưng thực tế, 70% lượng hàng hóa bán online đều là ma túy được phân theo nhóm với các tiêu đề: Chất kích thích, thuốc gây ảo giác, tiền chất ma túy, ma túy đá, thuốc phiện, thuốc lắc, thuốc hướng thần và steroid.
Bên cạnh đó, còn có bằng lái xe giả nhưng chỉ những thành viên có quyền truy cập mới vào được cái “chợ” này. Cũng nhằm tránh bị theo dõi, máy chủ của Silk Road được đặt ở Reykjavík, Iceland, còn Ross lấy bí danh (nickname) là Dread Pirate Roberts . Mọi giao dịch trên trang Silk Road đều được thực hiện bằng đồng tiền ảo Bitcoin chứ không dùng tiền mặt.
Ross Ulbricht, ông chủ của Silk Road. |
Việc đánh sập Silk Road khởi đầu vào tháng 2-2013, khi một gã buôn cocaine và MDMA (thuốc lắc) quốc tịch Australia trở thành người đầu tiên bị kết án vì những tội danh liên quan trực tiếp đến Silk Road. Khi khám xét nhà người này, cảnh sát phát hiện các tập tin trong máy tính xách tay chứng tỏ anh ta mua ma túy của Silk Road. Tháng 12-2013, cảnh sát Australia phối hợp với DEA bắt thêm một người New Zealand khi anh ta vừa nhận 15 gam chất ma túy Methamphetamine mua trên Silk Road. FBI thu được 11,02 Bitcoin – tương đương 814USD thời điểm ấy.
Theo FBI và DEA, dựa trên dữ liệu thu thập được, từ ngày 3-2-2012 đến ngày 24-7-2012, ước tính khoảng 15 triệu USD giao dịch đã được thực hiện trên Silk Road. Nicolas Christin, chuyên gia nghiên cứu về Silk Road cho biết trong một cuộc phỏng vấn với trang tin Kinh tế Toàn cầu: “Sự gia tăng đáng kể về khối lượng từ 30 triệu đến 45 triệu USD chỉ trong một thời gian ngắn sẽ không làm tôi ngạc nhiên. Người mua và người bán thực hiện tất cả các giao dịch bằng đồng tiền ảo Bitcoin dưới hình thức ông A chẳng hạn, đặt mua Bitcoin tại một kênh đầu tư – dĩ nhiên là hợp pháp. Sau đó, ông A bán lại cho ông B – cũng là hợp pháp nhưng thục tế, số Bitcoin mà A bán cho B chính là số tiền phải trả để mua ma túy. Silk Road giữ Bitcoin của A thông qua tài khoản của B cho đến khi A nhận được hàng. Tuy nhiên, vào thời điểm A chuyển Bitcoin cho B, Silk Road sẽ kích hoạt cơ chế bảo hiểm rủi ro cho phép B giữ nguyên giá trị của đồng Bitcoin so với USD. Bất cứ sự thay đổi nào về giá Bitcoin xảy ra trong quá trình hàng chưa đến tay A, Silk Road không chịu trách nhiệm”.
Vẫn theo FBI và DEA, từ ngày 6-2-2011 đến 23-7-2013, đã có 1.229.465 giao dịch hoàn thành trên trang Silk Road với sự tham gia của 146.946 người, trong đó 30% đến từ Mỹ, tiếp theo là Anh, Australia, Đức, Canada, Thụy Điển, Pháp, Nga, Ý và Hà Lan. Số còn lại khoảng 27% không khai báo địa chỉ. Cũng trong thời gian 60 ngày từ 24-5 đến 23-7, đã có 1.217.218 tin nhắn được gửi qua hệ thống riêng của Silk Road.
Thuốc lắc bán trên Silk Road với giá 0,69 Bitcoin 1 gam nhưng phải có tài khoản mới đăng nhập được. |
3 giờ 15 phút chiều 2-10-2013, Ross Ulbricht, kẻ sáng lập Silk Road bị bắt khi đang ở trong thư viện Glen Park, thành phố San Francisco, bang California với những cáo buộc mua bán, vận chuyển chất ma túy, rửa tiền, xâm nhập mạng máy tính bất hợp pháp. Ban đầu, FBI thu giữ 26.000 Bitcoin từ các tài khoản của Silk Road, tương đương 36 triệu USD (thời giá 2013). Gần cuối tháng 10, FBI thu thêm 144.342 Bitcoin, trị giá 87 triệu USD.
Việc bắt Ross cũng không đơn giản bởi lẽ Silk Road hoạt động trên nền hệ điều hành ẩn là The Onion Router. Đầu tiên, các chuyên gia máy tính của FBI phát hiện địa chỉ email của Ross trên trang web Gmail. Trong những email ấy, có một số tập tin được gửi đến một người tên là Altoid.
Từ đó FBI biết Altoid đã từng đăng tải một bài viết trên một diễn đàn về đồng tiền ảo Bitcoin, đề nghị các chuyên gia trong lĩnh vực này gửi email cho anh ta theo một địa chỉ.
Lần theo địa chỉ ấy, FBI thấy nó liên kết với nhiều tài khoản trên các trang Gmail. Youtube và Linkedin nhưng tất cả đều có cùng điểm đến là Silk Road. Và bởi vì mỗi lần online, Ross sử dụng giao thức VPN để che giấu vị trí của anh ta nên FBI phải xin lệnh tòa án, yêu cầu nhà cung cấp internet phải công bố VPN của Ross. Nó dẫn đến một quán cà phê internet ở San Francisco và cuối cùng là một thư viện ở khu phố Glen Park, nơi Ross bị bắt.
Phiên tòa xét xử Ross bắt đầu vào ngày 13-1-2015 tại Tòa án Liên bang Manhattan. Trong phần thẩm vấn, Ross thừa nhận đã thành lập trang web Silk Road nhưng anh ta nói rằng đã chuyển quyền quản trị cho người khác ngay sau khi Silk Road ra đời. Bào chữa cho Ross, các luật sư cho rằng nickname Dread Pirate Roberts thực sự là của Mark Karpeles, và Karpeles đã lợi dụng Ross để thực hiện những hành vi phạm pháp. Tuy nhiên, thẩm phán Katherine B. Forrestra phán quyết, bác bỏ tất cả những lời bào chữa này
Trong tuần thứ hai của phiên tòa, công tố viên đã trình bày các tài liệu và nhật ký trò chuyện từ máy tính của Ross, chứng minh anh ta trực tiếp quản lý Silk Road bằng phần mềm BitTorren nhằm che giấu tất cả mọi thao tác trên trang Silk Road cho cả người bán lẫn người mua ma túy. Khi FBI bắt Ross, máy tính cá nhân của anh ta vẫn đang chạy phần mềm này.
Ma túy của Silk Road gửi đến người mua qua đường bưu điện bị FBI thu giữ. |
Điều đáng lưu ý là trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, thẩm phán Forrest nhiều lần nhận được những lời dọa giết. Trên một trang web có tên The Hidden Wiki, một kẻ nào đó đã đăng tải thông tin cá nhân của thẩm phán Forrest, bao gồm địa chỉ nhà riêng và số an sinh xã hội.
Luật sư của Ross là Joshua Dratel tuyên bố ông và thân chủ của mình “lên án một cách mạnh mẽ các bài viết nặc danh liên quan đến thẩm phán Forrest”. Dratel nói: “Ross không dính líu gì đến trang web ấy và những bài đăng trên The Hidden Wiki không phản ánh quan điểm của anh ta”. Trong một bức thư gửi cho thẩm phán Forrest trước khi bị tuyên án, Ross nói rằng hành động của anh ta thông qua Silk Road là biểu hiện của chủ nghĩa kinh tế tự do, và: “Silk Road lập ra để mọi người có quyền lựa chọn cho riêng họ” nhưng Ross cũng thừa nhận “đã phạm phải sai lầm khủng khiếp, hủy hoại cả cuộc đời”.
Ngày 29-5-2015, bồi thẩm đoàn Tòa án Liên bang Manhattan phán quyết Ross phải thi hành 5 bản án, trong đó có 2 án tù chung thân không ân xá, Ross cũng bị tịch thu 183 triệu USD. Đến ngày 31-5-2017, Tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo của Ross đồng thời Tòa tối cao cũng từ chối xem xét lại hồ sơ của Ross.
Song song với phiên tòa xử Ross, tòa cũng đưa ra xét xử 2 đặc vụ liên bang có nhiệm vụ bí mật điều tra Silk Road. Một trong 2 người này là Carl Mark, nhân viên DEA, còn người kia là đặc vụ Shaun Bridges. Cả 2 đã nhận tiền của Ross để báo cáo sai lệch về các hoạt động của Silk Road.
Trong số hơn 130 bị can bị FBI bắt giữ vì mua bán ma túy, rửa tiền, có tay buôn ma túy người Hà Lan Cornelis Jan “Maikel” Slomp, 23 tuổi, bị cáo buộc mua bán ma túy quy mô lớn thông qua trang web Silk Road và bị kết án 10 năm tù. Một kẻ khác là Steven Sadler bị kết án 5 năm tù. Bên cạnh đó, còn có 2 quản trị viên của Silk Road là Andrew Michael Jones và Gary Davis với các nickname “Inigo”, “Libertas”, cả hai cũng đều bị kết án tù.
Một thời gian ngắn sau khi Silk Road sập sàn, trên mạng Internet bỗng xuất hiện trang web Silk Road 2.0, điều hành bởi nickname “Defcon”. Ngày 13-2-2014, Defcon thông báo rằng 2,7 triệu USD trong các tài khoản ký quỹ của Silk Road 2.0 đã bị đánh cắp nhưng anh ta hứa sẽ trả lại cho các chủ tài khoản toàn bộ số tiền này.
Đến ngày 6-11-2014, FBI bắt được Blake Benthall, người điều hành Silk Road 2.0 dưới cái tên “Defcon” cùng một người Anh là Thomas White, kẻ đã khởi tạo trang web Silk Road 2.0 nhưng thông tin về vụ bắt giữ chỉ được FBI thông báo vào năm 2019. Chưa hết, nhằm mục đích “ăn theo” thương hiệu Silk Road, tháng 1-2015, Diabolus Market cho ra mắt trang web Silk Road Reloaded với các tính năng tương tự như Silk Road của Ross nhưng cũng đã bị FBI đánh sập.
Ngày 3-11-2020, các đặc vụ của FBI chuyên theo dõi mảng tiền tệ phát hiện 2 giao dịch với tổng cộng 69.370 Bitcoin, trị giá khoảng 1 tỷ USD vào thời điểm ấy, được thực hiện từ một địa chỉ liên quan đến trang web Silk Road. Kết quả điều tra cho thấy số Bitcoin này thuộc về một cá nhân có nickname là “X”. người đã mua Bitcoin từ Silk Road trước khi nó bị đánh sập.
Theo FBI, họ vẫn đang tiến hành điều tra về địa chỉ này để xem nó có phải là một Silk Road thế hệ mới hay không, hay chỉ là những vấn đề còn lại của Silk Road.
Theo FBI Files
Write a comment
Your email address will not be published. All fields are required