“Cạo xương lấy độc” – Minh chứng cho việc dùng bài thuốc tê Mafeisan?
Tam Quốc Diễn Nghĩa có nhiều tình tiết kinh điển khiến người đời nhớ mãi. Trong hồi 75 có một chi tiết thể hiện Quan Vân Trường là một bậc thánh thần, chịu nỗi đau đớn tận xương tủy nhưng vẫn giữ phong thái ung dung uống rượu đánh cờ khi được Hoa Đà trị thương.”Bấy giờ Quan Công đau cánh tay nặng lắm, nhưng sợ bụng quân xôn xao, phải cố gượng ngồi đánh cờ với Mã Lương cho tiêu khiển”. Vào thời điểm Hoa Đà tới nơi chữa trị, chất độc nói trên đã ngấm vào xương, nếu không chữa nhanh thì cánh tay có thể bị phế đi hoàn toàn. Hoa Đà đề nghị phải cạo xương lấy chất độc thì mới cứu được. Quan Vũ đồng ý, trong cuộc phẫu thuật Quan Vũ vẫn điềm nhiên uống rượu chơi cờ khiến Hoa Đà thán phục “Tôi đi chữa thuốc một đời người, chưa thấy gan như thế, quân hầu quả thực là người nhà trời“
Theo lẽ thường, ngưỡng chịu đau của con người có mức giới hạn. Người bình thường có thể chịu đau đớn đến 45 đơn vị đau (Del Unit). Tuy nhiên trên thực tế, người phụ nữ khi chuyển dạ có thể chịu cơn đau dài lên đến 57 đơn vị đau. Mức độ đau này giống với việc người thường gãy 20 xương cùng lúc. Các cuộc phẫu thuật đều quá ngưỡng đau có thể chịu đựng nên cần phải sử dụng thuốc gây tê, gây mê.
Vậy như điển tích trong Tam quốc diễn nghĩa thì Quan Vân Trường rõ ràng là không phải người thường mà là một bậc thần thánh? Tuy nhiên, cũng có nhiều tranh cãi về việc có phải Hoa Đà là người trị thương cho Quan Vũ nếu phân tích về thời điểm lịch sử cũng như Hoa Đà có phải là một nhân vật có thật hay không? Theo nghiên cứu của các nhà lịch sử Trung Quốc, Hoa Đà là một nhân vật có thật và nhiều minh chứng cho thấy ông là người đầu tiên sử dụng các dược thảo gây tê trong phẫu thuật.
Các tài liệu ghi chép cho thấy người Trung Quốc đã hiểu biết về các tác dụng của các dược thảo trị đau khá sớm. Trong cuốn Ngũ Thập Nhị Bệnh Phương (五十二病方)có từ thời Chiến quốc (475-221, trước Công nguyên) có bài thuốc với vị Ô đầu mô tả “ Bệnh nhân uống xong sẽ không cảm thấy đau, nếu đau uống tiếp. Hết đau không dùng nữa”. Cuốn Thần nông Bản thảo (221-220, Trước Công Nguyên) cũng đã mô tả 365 vị thuốc trong đó có đề cập một số vị thuốc đặc biệt “ Người sử dụng nhiều Đại ma (大麻, Cannabis) sẽ thấy ma và trở nên điên loạn, cảm thấy bay bổng khi dùng lâu dài” . Như vậy, các minh chứng này cho thấy các thầy thuốc thời ấy đã có những hiểu biết cơ bản về các dược thảo tác động thần kinh, gây mê và gây tê và đó có thể là tiền đề để Hoa Đà bào chế một loại thuốc gây tê sử dụng khi chữa phẫu thuật gọi là Mafeisan. Theo ghi chép “Sau khi uống Mafeisan, bệnh nhân có thể hoạt động với ít đau đớn. Trong một trường hợp, một bệnh nhân bị rụng râu và lông mày được Hoa Đà chẩn đoán là có vấn đề với lá lách của mình. Sau khi bệnh nhân uống Mafeisan, Hoa Đà mở ra thăm dò bụng, cuối cùng xác nhận là lá lách không lành mạnh. Sau đó anh ta cắt bỏ phần lá lách bị thoái hóa; bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sau đó” Vậy Mafeisan có thành phần gì? Rất tiếc cho đến nay công thức của Mafeisan không được tìm thấy nhưng với nhiều bằng chứng cho thấy bài thuốc này có thể có thành phần chính là hoa Cà độc dược hoặc Cần sa (cannabis) cùng Hoa đỗ quyên (Rhododendron molle). Theo các nghiên cứu trên các chứng cứ lịch sử, 4 dược liệu được cho là thành phần chính của các bài thuốc tê là Cà độc dược, Ô đầu, Đương Qui và Xuyên Khung ngoài ra còn có Bạch chỉ, Thiên Nam tinh, Câu kỷ tử, Hỏa ma hoa (Cannabis sativa). Cho đến nay các nghiên cứu hiện đại đã chứng minh những vị thuốc này có tác dụng kháng đối giao cảm, gây tê, giảm đau và tác động tê liệt thần kinh cần thiết khi phẫu thuật. Ngoài ra, chúng còn có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, giải nhiệt.
Y học hiện đại sử dụng thuốc gây tê, gây mê thường là đơn chất và phải khống chế liều lượng phù hợp với từng cá thể. Việc này rất quan trọng thể hiện vai trò không thể thiếu của các bác sĩ gây mê, gây tê khi tham gia một ca phẫu thuật. Người ta có thể e ngại việc dùng các dược thảo gây tê, gây mê nhưng rõ ràng các minh chứng cho thấy trước khi có được các chất gây mê, gây tê như ngày nay, Mafeisan đã được xem như liệu pháp gây tê đầu tiên của người Trung Quốc trong phẫu thuật. Điển tích “cạo xương trị độc” nhằm ca ngợi khí thế anh hùng của Quan Vân Trường nhưng đằng sau đó là một minh chứng lịch sử cho cách sử dụng thảo dược trong trị bệnh của người xưa.
Tài liệu tham khảo
1. Wai FK(2004), On Hua Tuo’s position in the history of Chinese medicine, The American Journal of Chinese Medicine. 2004;32(2):313-20.
2. Peishan Zhao, Xuejiao Yu, Yoko Kagemoto (2018), Was Mafeisan an Anesthetic in Ancient China? Journal of Anesthesia History, 4 (3): 177-181.
Write a comment
Your email address will not be published. All fields are required