HIỂU ĐÚNG VỀ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM
P’medic | 9-11-2023
Hôm nay tình cờ mở ra thấy những tin nhắn mà Facebook. Tôi không biết có bao nhiêu tin nhắn bị lọc, nhưng kéo mãi mà vẫn không hết, có lẽ phải vài trăm tin, cũng có thể lên đến con số ngàn.
Tôi chỉ có thể đọc một số tin, thì thấy đa số các bạn lo lắng về thoát vị đĩa đệm, và những vấn đề liên quan đến mổ thoát vị đĩa đệm. Không thể đọc hết các tin nhắn bị lỡ, cũng như không tiện trả lời tất cả các tin nhắn, tôi xin viết một bài tổng quan về thoát vị đĩa đệm, coi như trả lời chung cho các bạn về vấn đề này.
1. Tại sao lại có hiện tượng thoát vị
Đĩa đệm được cấu tạo bởi 2 đĩa sụn, tiếp giáp với xương đốt sống. giữa 2 đĩa sụn trên và dưới là bao xơ. Bao xơ là một cấu trúc giống cái kén tằm, khá dai chắc, bên trong chứa một chất giống như tròng trắng trứng, gọi là nhân nhầy. Đĩa đệm là một đĩa ngăn cách giữa 2 đốt sống, vừa bảo đảm cho các đốt sống có thể gấp duỗi được, vừa chịu trách nhiệm phân bố bớt lực khi cột sống bị tác động.
Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng bao xơ bị rách, nhân nhầy thoát ra, tạo thành một khối, chèn ép lên các rễ thần kinh trong ống sống, từ đó gây ra các triệu chứng như đau thần kinh tọa (nếu ở lưng), đau cổ vai tay (nếu ở cổ), tê, yếu hoặc liệt, giảm hay mất cảm giác, suy hô hấp, rối loạn tiêu tiểu…
Ở mặt sau đĩa đệm, tức mặt trước của ống sống, nơi đĩa đệm tiếp xúc với ống sống, có một dây chằng khá chắc chắn, ngăn cách đĩa đệm và ống sống, gọi là dây chằng dọc sau. Dựa trên mối tương quan giữa khối thoát vị, bao xơ và dây chằng dọc sau, người ta phân loại khối thoát vị theo những thể khác nhau.
Thoát vị đĩa đệm dạng lồi là khi bao xơ bị rách không hoàn toàn, đĩa đệm phình ra, gọi là lồi đĩa đệm. Khi bao xơ bị rách hoàn toàn nhưng dây chằng dọc sau còn nguyên, nhân nhầy thoát ra và nằm phía dưới dây chằng dọc sau, gọi là thoát vị đĩa đệm dạng vỡ. Nếu dây chằng dọc sau bị rách, nhân nhầy chui qua đó, gọi là thoát vị qua dây chằng dọc sau. Còn khi mà khối thoát vị qua dây chằng dọc sau, nhưng có một mẩu đứt rời và di lệch đi xa, gọi là thoát vị có mảnh rời (hình).
Theo một số nghiên cứu của các tác giả Hoa kì, 70% dân số bị thoát vị đĩa đệm. Rất may là 1/3 số người bị thoát vị đĩa đệm không có triệu chứng gì. 1/3 khác thì có triệu chứng như đau nhức nhưng sau khi ngủ dậy vươn vai một cái là hết. Chỉ có 1/3 còn lại là cần đến thầy thuốc, và trong số cần đến thầy thuốc, chỉ có rất ít người phải mổ. Người ta tính, số người phải mổ thoát vị đĩa đệm chỉ bằng 1% số người bị thoát vị đĩa đệm. Ở Việt nam, với dân số là 94 triệu người, như vậy chúng ta có gần 22 triệu người bệnh thoát vị đĩa đệm cần đến thầy thuốc, và 658.000 người thực sự cần mổ thoát vị đĩa đệm.
22 triệu người bệnh thoát vị đĩa đệm cần đến thầy thuốc sẽ đến các thầy võ, thầy trật đả, thầy lang, các nhà xoa bóp, bấm huyệt, và các bác sĩ đông tây y, vật lí trị liệu… Và đại đa số trong 22 triệu người ấy hết bệnh, hay các triệu chứng không còn. Đó cũng là cơ hội để các “nhà” này quảng cáo mình, và cho là mình giỏi hơn các “nhà” khác nếu gặp bệnh nhân được các “nhà” khác chữa mà không khỏi.
Một số người bệnh không hết đau và các triệu chứng không giảm. Nếu có yếu cơ, liệt, teo cơ, giảm hay mất cảm giác, rối loạn tiêu tiểu, mất khả năng đi lại, mất khả năng ngồi, đứng, nằm, hoặc không thể làm việc… các nhà Phẫu thuật cột sống sẽ ra tay. Tuy nhiên, nếu chỉ có đau mà thuốc và vật lí trị liệu thất bại, nên tiêm thấm (tiêm vào ống sống), nếu không hết thì mới mổ.
2. Điều trị thoát vị như thế nào
Có nhiều phương pháp mổ. Từ mổ hở thông thường, mổ vi phẫu, mổ xâm lấn tối thiểu (Metrx) và mổ nội soi. Mổ nội soi là phương pháp ít xâm lấn nhất, và được coi là tiên tiến nhất. Do mổ nội soi là phương pháp khó áp dụng, chưa phổ biến, nên mổ vi phẫu vẫn được coi là tiêu chuẩn vàng. Các phương pháp sử dụng laser, sóng radio cao tần… được xem là không có giá trị đối với những trường hợp thoát vị đĩa đệm nặng, nhất là khi khối thoát vị đã xé rách dây chằng dọc sau.
Cần lưu ý, thoát vị đĩa đệm là bệnh của người trưởng thành cho tới trung niên (20 đến 40 tuổi), ngược lại với bệnh lí hẹp ống sống, thường gặp ở người bệnh lớn hơn 40 tuổi. Hai bệnh lí này có phương pháp điều trị không mổ giống nhau, nhưng cách mổ lại hoàn toàn khác nhau. Trong thoát vị đĩa đệm, sụn còn nguyên, bao xơ chỉ bị rách ở một vị trí. Còn trong bệnh lí hẹp ống sống, cả sụn, bao xơ đều bị vỡ vụn.
Nếu được chẩn đoán đúng, không bị nhầm lẫn với hẹp ống sống, gần như không có khả năng tái phát thoát vị đĩa đệm sau mổ, do nhân nhầy đã được lấy đi hết.
3. Bài tập tiêu chuẩn cho bệnh thoát vị
4. Lời kết
Muốn cho cột sống khỏe mạnh, cơ và dây chằng phải khỏe mạnh, chống đỡ lực cho đĩa đệm. Do vậy, tập thể dục thể thao là biện pháp phòng ngừa các biến chứng của thoát vị đĩa đệm hữu hiệu. Tất nhiên, có khi tập làm gia tăng áp lực trong đĩa đệm gây thoát vị lớn hơn, hoặc chấn thương do tập làm cho thoát vị nặng hơn. Tuy nhiên, khả năng đó thấp hơn khả năng làm cho cột sống mạnh và khối thoát vị giảm chèn ép. Vì vậy trước khi cân nhắc một bài tập nào, hãy tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia mà bạn tin tưởng.
Chúc bạn giữ niềm tin và thành công trong hành trình điều trị thoát vị đĩa đệm.
Write a comment
Your email address will not be published. All fields are required