Tác giả: P’medic, nhà thuốc Quôc’Dân
TỪ VIẾT TẮT TRONG BÀI
EIEC | Enteroinvassive E.coli (E.coli xâm nhập) |
EHEC | Enterohemorrhagic E.coli (E.coli gây xuất huyết đường ruột) |
EPEC | Enteropathogenic E.coli (E.coli gây bệnh) |
ETEC | Enterotoxigenic E.coli (E.coli sinh độc tố ruột) |
ĐẠI CƯƠNG
Tiêu chảy do vi khuẩn là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, liên quan mật thiết đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Biểu hiện lâm sàng chung thường thấy là: sốt, nôn, đau bụng, và tiêu chảy nhiều lần/ngày.
Trường hợp tiêu chảy nặng có thể gây mất nước hoặc nhiễm khuẩn nhiễm độc toàn thân, dẫn tới tử vong, đặc biệt ở trẻ em và người già.
CĂN NGUYÊN THƯỜNG GẶP
Tiêu chảy do độc tố vi khuẩn : Vibrio cholerae, E. coli, Clostridium difficile, tụ cầu.
Tiêu chảy do bản thân vi khuẩn (tiêu chảy xâm nhập): Shigella, Salmonella, E.coli, Campylobacter, Yersinia…
CHẨN ĐOÁN
Dựa vào lâm sàng và xét nghiệm.
Lâm sàng:
Biểu hiện đa dạng tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh.
Nôn và buồn nôn.
Tiêu chảy nhiều lần, tính chất phân phụ thuộc vào căn nguyên gây bệnh:
Tiêu chảy do độc tố vi khuẩn: Phân có nhiều nước, không có bạch cầu hoặc hồng cầu trong phân.
Tiêu chảy do vi khuẩn xâm nhập: Phân thường có nhầy, đôi khi có máu.
Biểu hiện toàn thân:
Có thể sốt hoặc không sốt.
Tình trạng nhiễm độc: Mệt mỏi, nhức đầu, có thể có hạ huyết áp.
Tình trạng mất nước.
Lâm sàng một số căn nguyên thường gặp
Tiêu chảy do lỵ trực khuẩn (hội chứng lỵ): Sốt cao, đau bụng quặn từng cơn, mót rặn, đi ngoài phân lỏng lẫn nhầy máu.
Tiêu chảy do tả: Khởi phát rất nhanh trong vòng 24 giờ, tiêu chảy dữ dội và liên tục 20-50 lần/ngày, phân toàn nước như nước vo gạo, không sốt, không mót rặn, không đau quặn bụng.
Tiêu chảy do độc tố tụ cầu: Thời gian ủ bệnh ngắn 1-6 giờ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy nhiều nước nhưng không sốt.
Tiêu chảy do E. coli:
Tiêu chảy do E. coli sinh độc tố ruột (ETEC): đi ngoài phân lỏng không nhầy máu, không sốt. Bệnh thường tự khỏi.
Tiêu chảy do E. coli (EIEC, EPEC, EHEC): sốt, đau quặn bụng, mót rặn, phân lỏng có thể lẫn nhầy máu (hội chứng lỵ).
Tiêu chảy do Salmonella: Tiêu chảy, sốt cao, nôn và đau bụng.
Xét nghiệm
Công thức máu: Số lượng bạch cầu tăng hay giảm tùy căn nguyên.
Xét nghiệm sinh hoá máu: Đánh giá rối loạn điện giải, suy thận kèm theo.
Xét nghiệm phân:
Soi phân: Tìm xem có hồng cầu, bạch cầu, các đơn bào ký sinh, nấm, trứng ký sinh trùng…
Cấy phân tìm vi khuẩn gây bệnh.
ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc
Điều trị kháng sinh tùy căn nguyên. Cần dự đoán căn nguyên và điều trị ngay.
Điều chỉnh lại kháng sinh nếu cần sau khi có kết quả cấy phân.
Đánh giá tình trạng mất nước và bồi phụ nước điện giải.
Điều trị triệu chứng.
Sử dụng kháng sinh trong tiêu chảy nhiễm khuẩn do một số căn nguyên thường gặp
Kháng sinh thường hiệu quả trong trường hợp tiêu chảy xâm nhập.
Thường dùng kháng sinh đường uống. Kháng sinh đường truyền chỉ dùng trong trường hợp nặng có nhiễm khuẩn toàn thân.
Liều dùng kháng sinh ở đây chủ yếu áp dụng cho người lớn. Đối với trẻ em, tham khảo thêm “Hướng dẫn xử trí tiêu chảy ở trẻ em” (Bộ Y tế 2009).
Tiêu chảy do E. coli (ETEC, EHEC), Campylobacter, Yersinia, Salmonella, Vibrio spp.
Thuốc ưu tiên: kháng sinh nhóm quinolon (uống hoặc truyền) x 5 ngày (người >12 tuổi) :
Ciprofloxacin 0,5 g x 2 lần/ngày.
Hoặc norfloxacin 0,4 g x 2 lần/ngày.
Thuốc thay thế:
Ceftriaxon đường tĩnh mạch (TM) 50 – 100 mg/kg/ngày x 5 ngày.
TMP-SMX 0,96g x 2 lần/ngày x 5 ngày.
Doxycyclin 100 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
Tiêu chảy do Clostridium difficile
Thuốc ưu tiên: Metronidazol 250 mg (uống) mỗi 6 giờ x 7 – 10 ngày.
Thuốc thay thế: Vancomycin 250 mg (uống) mỗi 6 giờ x 7 – 10 ngày.
Tiêu chảy do Shigella (lỵ trực khuẩn)
Thuốc ưu tiên: Quinolon (uống hoặc truyền TM) x 5 ngày (người > 12 tuổi):
Ciprofloxacin 0,5 g x 2 lần/ngày.
Hoặc norfloxacin 0,4 g x 2 lần/ngày.
Thuốc thay thế:
Ceftriaxon (TM) 50-100 mg/kg/ngày x 5 ngày.
Hoặc azithromycin (uống) 0,5 g/ngày x 3 ngày (ưu tiên cho phụ nữ có thai) hoặc azithromycin (uống) 10 mg/kg/ngày x 3 ngày (cho trẻ em <12 tuổi).
Tiêu chảy do thương hàn (Salmonella typhi, paratyphi)
Thuốc ưu tiên: Quinolon (uống hoặc truyền) x 10-14 ngày (người lớn >12 tuổi):
Ciprofloxacin 0,5 g x 2 lần/ngày.
Hoặc norfloxacin 0,4 g x 2 lần/ngày.
Thuốc thay thế: Ceftriaxon (TM) 50 – 100 mg/kg/lần x 1 lần/ngày x 10 – 14 ngày.
Tiêu chảy do vi khuẩn tả
Hiện nay vi khuẩn tả đã kháng lại các kháng sinh thông thường, thuốc được lựa chọn hiện nay là:
Nhóm Quinolon (uống) x 3 ngày (người > 12 tuổi):
Ciprofloxacin 0,5 g x 2 lần/ngày.
Hoặc norfloxacin 0,4 g x 2 lần/ngày.
Hoặc azithromycin (uống) 0,5 g/ngày x 3 ngày (ưu tiên cho phụ nữ có thai) hoặc azithromycin (uống) 10 mg/kg/ngày x 3 ngày (cho trẻ em < 12 tuổi)
Thuốc thay thế:
Erythromycin 1g/ngày uống chia 4 lần/ngày (trẻ em 40 mg/kg/ngày), dùng trong 3 ngày.
Hoặc doxycyclin 300 mg liều duy nhất (dùng trong trường hợp vi khuẩn còn nhạy cảm).
Điều trị triệu chứng
Đánh giá và xử trí tình trạng mất nước
Phải đánh giá ngay và kịp thời xử trí tình trạng mất nước khi người bệnh đến viện và song song với việc tìm căn nguyên gây bệnh.
Người bệnh mất nước độ I, uống được: bù dịch bằng đường uống, dùng dung dịch ORESOL.
Người bệnh mất nước từ độ II trở lên, không uống được: bù dịch bằng đường tĩnh mạch. Dung dịch được lựa chọn: Ringer Lactat hoặc Ringer Acetat. Ngoài ra: NaCl 0,9%, Glucose 5% với tỷ lệ 1:1.
Điều trị hỗ trợ
Giảm co thắt: Spasmaverin.
Làm săn niêm mạc ruột: dioctahedral smectit
Không lạm dụng các thuốc cầm tiêu chảy như loperamid.
PHÒNG BỆNH
Tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ăn chín, uống nước đã đun sôi.
Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Cải thiện hệ thống cấp thoát nước.
Điều trị dự phòng khi ở trong vùng có dịch.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Cunha, B.A(2006), Antimicrobial therapy 2006, Philadelphia, PA: Saunders. xiv, p. [1049]-1289.
Kasper, D.L., A.S. Fauci, and T.R. Harrison (2010), Harrison’s infectious diseases, 1294 p., McGraw-Hill Medical, New York.
Mandell, G.L., J.E. Bennett, and R. Dolin (2010), Mandell, Douglas, and Bennett’s principles and practice of infectious diseases. 7th ed2010, Philadelphia, PA: Churchill Livingstone/Elsevier.
Papadakis, M., et al.(2013), Current Medical Diagnosis and Treatment 2013, McGraw-Hill Medical Publishing Division McGraw-Hill Companies, The Distributor: New York Antibiotic Essentials 2011.
Write a comment
Your email address will not be published. All fields are required